Định nhóm máu hệ ABO/Rh là gì

Xét nghiệm nhóm máu
Đánh giá cho bài viết này

Xác định nhóm máu của người bệnh trước khi tiến hành cho hay nhận máu là việc vô cùng cần thiết và quan trọng. Hiện nay, định nhóm máu hệ ABO/Rh bằng kỹ thuật ống nghiệm là phương pháp xác định nhóm máu được sử dụng phổ biến nhất.

  • Khi nào cần tiến hành định nhóm máu?
  • Định nhóm máu hệ ABO/Rh bằng kỹ thuật ống nghiệm
  • Quy trình định nhóm máu Rh

1. Khi nào cần tiến hành định nhóm máu?

Bất kỳ ai cũng có thể làm xét nghiệm định nhóm máu hệ ABO/Rh khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, một số trường hợp nhất định cần xác định nhóm máu là:

Nhận biết được nhóm máu của người cho và người nhận trước truyền máu.

Xác định nhóm máu của người đăng ký hiến tặng, tủy xương, mô để xem có tương thích với người nhận hay không.

Sử dụng kết quả xác định nhóm máu cho mục đích xác định huyết thống.

Phụ nữ mang thai cần định nhóm máu hệ ABO/Rh để đánh giá độ tương thích giữa các yếu tố trong máu của mẹ và con.

2. Định nhóm máu hệ ABO/Rh bằng kỹ thuật ống nghiệm

Có hai hệ nhóm máu chính, quan trọng và phổ biến nhất là nhóm máu hệ ABO và nhóm máu Rh.

2.1 Nhóm máu hệ ABO

Nguyên lý định nhóm máu hệ ABO

Nhóm máu hệ ABO được phát hiện bởi nhà bác học Karl Landsteiner vào năm 1901. Đây được coi là nhóm máu có ý nghĩa quan trọng nhất trong thực hành truyền máu.Việc xác định các nhóm máu của hệ ABO được thực hiện dựa trên cơ sở kháng nguyên A và kháng nguyên B có hoặc không hiện diện trên bề mặt hồng cầu; sự có hoặc không có mặt của kháng thể A và kháng thể B trong mẫu huyết thanh.

Định nhóm máu hệ ABO có nghĩa là xác định xem một người thuộc nhóm máu A, nhóm máu B, nhóm máu AB hay nhóm máu O. Việc định hệ nhóm máu này cần được tiến hành theo hai phương pháp là huyết thanh và hồng cầu mẫu.

Kỹ thuật định nhóm máu hệ ABO được thực hiện dựa trên nguyên lý của phản ứng ngưng kết.

Quy trình định nhóm máu hệ ABO

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ và hóa chất cần thiết, nhân viên y tế nhận mẫu bệnh phẩm của người bệnh để bắt đầu tiến hành định nhóm máu.

Ống máu không chống đông sẽ được ly tâm 3000 vòng/ 3 phút sau đó tách lấy huyết thanh. Đồng thời rửa hồng cầu bệnh nhân với NaCl 0,9% 3 lần và pha thành huyền dịch 5%.

Cần chuẩn bị 2 bộ trong đó mỗi bộ gồm 6 ống nghiệm sạch được ghi nhãn lần lượt anti A, anti B, anti AB, hồng cầu mẫu A, hồng cầu mẫu B và hồng cầu mẫu O.

Sau đó, bác sĩ tiến hành định nhóm máu hệ ABO theo 2 phương pháp huyết thanh mẫu và hồng cầu mẫu. Thao tác này sẽ được lặp lại thêm 1 lần nữa để đảm bảo độ chính xác.

Nếu kết quả của hai lần định nhóm là khớp nhau thì dấu nhóm máu A, B, AB, hoặc O sẽ được đóng vào phiếu xét nghiệm. Ngược lại, nếu kết quả giữa hai lần định nhóm máu không tương thích thì cần kiểm tra lại các bước ban đầu và lặp lại xét nghiệm.

2.2 Nhóm máu Rh

Nguyên lý định nhóm máu Rh

Hệ nhóm máu quan trọng thứ hai trong thực hành truyền máu chính là hệ nhóm máu Rh. Nhóm máu này được nhà bác học tên Kahl Landsteiner và Wiener phát hiện vào năm 1940. Nhóm máu Rh có số lượng kháng nguyên khá phong phú lên tới khoảng 50 loại kháng nguyên khác nhau, trong đó có 5 kháng nguyên chính là D, C, c, E, và e. Đặc biệt, kháng nguyên D là quan trọng nhất.

Nhóm máu hệ Rh (D) được xác định dựa trên sự có mặt hoặc không có mặt của kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu. Như vậy, người nào trên bề mặt hồng cầu có mang kháng nguyên D thì được gọi là người có nhóm máu Rh (D) dương, ngược lại người có nhóm máu Rh (D) âm là người không có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu.

Kỹ thuật định nhóm máu Rh được thực hiện dựa trên nguyên lý của phản ứng ngưng kết.

3.Quy trình định nhóm máu Rh

Các dụng cụ, hóa chất và sinh phẩm cần thiết cần được chuẩn bị đầy đủ trước khi tiến hành định nhóm máu. Sau khi nhận bệnh phẩm từ người bệnh, nhân viên y tế sẽ tiến hành làm xét nghiệm phân tích.

Đầu tiên, nhỏ 1 giọt huyết thanh mẫu anti D vào ống nghiệm đã được chuẩn bị. Sau đó thêm 1 giọt huyền dịch hồng cầu 5% (hồng cầu đã được rửa với NaCl 0,9%). Trộn đều ống nghiệm và quay ly tâm 1000 vòng/ phút trong vòng 1 phút. Nghiêng và lắc nhẹ ống nghiệm để đọc ngưng kết.

Trường hợp phản ứng có ngưng kết đồng nghĩa với việc trên bề mặt hồng cầu có sự hiện diện của kháng nguyên D, hay kết quả định nhóm máu là Rh (D) dương. Nếu phản ứng không ngưng kết thì có thể đưa ra kết luận nhóm máu Rh (D) âm do không có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu.

Việc định nhóm máu hệ ABO/Rh đóng vai trò quan trọng đối với thực hành truyền máu nhằm giảm thiểu các nguy cơ không tương thích giữa người cho và nhận máu. Bất kỳ sai sót nào cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *